Ph.Ăng-Ghen và những tác phẩm kinh điển có giá trị vượt thời đại  

Thứ Bảy, ngày 27 tháng 11 năm 2021 - 16:11 Đã xem: 36285

Phơ-ri-đơ-rích Ăng-ghen sinh ngày 28/11/1820 ở thành phố Ba-rơ-men tỉnh Ranh, Vương quốc Phổ. Ông là nhà lý luận chính trị, một triết gia và nhà khoa học nổi tiếng người Đức thế kỷ XIX, người cùng với C.Mác sáng lập và phát triển Chủ nghĩa Cộng sản. Với bộ óc thiên tài, trái tim nhân hậu và đức tính khiêm nhường, Ph.Ăng-ghen đã dâng hiến cho nhân loại nhiều tư tưởng, lý luận có giá trị lịch sử to lớn và có ý nghĩa soi sáng con đường xây dựng xã hội mới tiến bộ hơn - xã hội Xã hội Chủ nghĩa cho các dân tộc trên thế giới.

 Ph. Ăngghen (1820 - 1895). Nguồn ảnh: tulieuvankien.dangcongsan.vn

Những tác phẩm kinh điển của Ph.Ăng-ghen trong hệ thống lý luận của Chủ nghĩa Mác đã được khẳng định và được tôi luyện trong thực tiễn phong trào Công nhân và cuộc đấu tranh xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, mang tinh tuý của các học thuyết nhân quyền hiện đại, vì công bằng và cải thiện cuộc sống cho giai cấp vô sản. Tới nay, những triết lý trong các tác phẩm của ông không những không mờ nhạt, mà ngày càng thể hiện những giá trị vượt thời đại.

Năm 1844, tác phẩm đầu tiên của Ph. Ăng-ghen là “Phê phán chính trị kinh tế học” được đăng trên tờ “Niên giám Pháp - Đức”. Đây được coi là tác phẩm mở đầu cho tư duy phê phán của Ph. Ăng-ghen khi xem xét những tư tưởng về chính trị, kinh tế của các nhà tư tưởng cùng thời. Sau đó, Ph. Ăng-ghen cùng với C. Mác viết chung một loạt tác phẩm tiêu biểu, như “Gia đình thần thánh”, năm 1845; “Hệ tư tưởng Đức”, năm 1846; “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, năm 1848…[1]

Ph. Ăng-ghen đã tự tìm cho mình một hướng nghiên cứu riêng là khoa học tự nhiên và nâng cao khả năng ngoại ngữ. Đó là tiền đề để ông trở thành tác giả của một số tác phẩm nổi tiếng, như “Biện chứng của tự nhiên”, năm 1873 – 1883; “Tác dụng của lao động …”, năm 1876; “Chống Đuy-rinh”, năm 1877, “Nguồn gốc của gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước”, năm 1883; “Lút-vích Phoi-ơ-bắc và sự cáo chung và triết học cổ điển Đức”, năm 1888… Trong các tác phẩm của mình, Ph. Ăng-ghen bảo vệ và phát triển Chủ nghĩa Mác trên những phương diện cơ bản như:

Thứ nhất, xây dựng và phát triển Chủ nghĩa Mác trên cả ba bộ phận cấu thành là triết học, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học. Ph. Ăng-ghen cũng có công rất lớn trong việc cung cấp những luận chứng thuyết phục để chứng minh tính chất duy vật triệt để của học thuyết Mác trong lĩnh vực lịch sử, xã hội; làm cho chủ nghĩa duy vật trở nên hoàn bị và là “công cụ nhận thức vĩ đại” của con người. Trong lĩnh vực kinh tế chính trị học, Ph. Ăng-ghen đã chứng tỏ là một nhà kinh tế học xuất sắc khi chỉ ra được những quy luật vận động của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, bóc trần bản chất bóc lột giá trị thặng dư của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Trong lĩnh vực Chủ nghĩa Xã hội khoa học, với những trải nghiệm trong thời gian dài ở các nước Anh, Pháp, Đức, cùng thời gian cộng tác với C. Mác, Ph. Ăng-ghen đã tạo lập và hoàn thiện những quan điểm về Chủ nghĩa Xã hội khoa học, mà linh hồn của lý luận đó là làm sáng tỏ sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp Công nhân - giai cấp có khả năng tổ chức và lãnh đạo xã hội thông qua Đảng Cộng sản, tiến hành cải biến xã hội từ xã hội Tư bản Chủ nghĩa sang xã hội Xã hội Chủ nghĩa và Cộng sản Chủ nghĩa trên phạm vi từng nước và trên toàn thế giới. Nhờ có lý luận này, giai cấp công nhân đã từng bước bước lên vũ đài chính trị và xác lập được vai trò to lớn của mình.

Thứ hai, không ngừng bổ sung, phát triển Chủ nghĩa Mác trong điều kiện thực tiễn đã có nhiều thay đổi. Ph. Ăng-ghen luôn đòi hỏi phải phát triển lý luận thông qua nghiên cứu và tổng kết thực tiễn. Chẳng hạn, với tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, trong khoảng hơn 20 năm từ 1872 - 1893, ông cùng C. Mác đã 7 lần viết “Lời tựa” cho những lần tái bản tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”. Sau khi C. Mác qua đời - năm 1883, những “Lời tựa” cho những lần xuất bản kế tiếp của “Tuyên ngôn” chỉ còn một mình Ph. Ăng-ghen đứng tên. Những “Lời tựa” đó chính là sự bổ sung, phát triển tư tưởng của “Tuyên ngôn” trên quan điểm thực tiễn, lịch sử - cụ thể và phát triển, làm cho “Tuyên ngôn” trở thành tác phẩm kiểu mẫu của việc bổ sung, phát triển Chủ nghĩa Mác bằng thực tiễn sinh động, mà chính Ph. Ăng-ghen là người tiên phong đi đầu.

Thứ ba, đấu tranh không khoan nhượng với những phe phái phi Mác-xít để bảo vệ Chủ nghĩa Mác. Bên cạnh việc viết những tác phẩm có tính chất tuyên ngôn hay chính sự, lý luận thuần túy, Ph. Ăng-ghen còn viết một số tác phẩm bút chiến để vạch trần các luận điệu xuyên tạc, lừa bịp của những kẻ cơ hội, tư sản, trong đó, tiêu biểu nhất là tác phẩm“Chống Đuy-rinh”. Với tác phẩm này, ông đã trình bày một cách có hệ thống những quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa Mác và qua đó, không chỉ nhằm bảo vệ Chủ nghĩa Mác, mà còn phát triển nó lên một tầm cao mới.

Ph. Ăng-ghen xứng danh là “người thầy vĩ đại” của giai cấp Công nhân toàn thế giới. Tới tận hôm nay, mặc dù tình hình có nhiều thay đổi so với thời điểm đó, nhưng tư tưởng của C. Mác và Ph. Ăngghen về Chủ nghĩa Xã hội khoa học, vai trò sứ mệnh lịch sử của giai cấp Công nhân, về công tác xây dựng Đảng vẫn còn nguyên giá trị. Chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng và hành động cho các Đảng Cộng sản trên thế giới, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn coi “Chủ nghĩa Mác - Lênin là cái cẩm nang thần kỳ”; luôn vận dụng sáng tạo, phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của Nước ta, đề ra đường lối Cách mạng đúng đắn, đưa Cách mạng vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được những thắng lợi vĩ đại.

 

  1. Lê Thị Chiên, Ph. Ăng-ghen bảo vệ, phát triển Chủ nghĩa Mác và những kinh nghiệm gợi mở trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản, 15-04-2021.

Đỗ Hồng Thanh

 

Xem tin theo ngày:   / /